THÁI LAN – NHỮNG TRƯỜNG HỌC TÔI ĐÃ ĐẾN

Lượt xem:

Đọc bài viết

 

                                                              Nguyễn Ngọc Thạch

                                                         Phòng GD&ĐT huyện Cư Jút

Tháng 11 năm 2010, tôi cùng các thầy cô được đi tham quan học tập ở các trường học của đất nước Thái Lan. Chúng tôi đến được 4 trường, trong đó có 1 trường ở Băng Cốc, 3 trường ở tỉnh Lăm-Pun. Tỉnh chúng tôi đến cũng giống như tỉnh Đăk Nông, cũng là tỉnh miền núi, có người dân tộc thiểu số, trường học cũng có điểm lẻ, phân hiệu. Tuy chuyến đi ngắn ngủi “cưỡi ngựa xem hoa”, “thầy bói xem voi” nhưng tôi xin mạo muội rút ra một vài cảm nhận về các trường học mà tôi đã mắt thấy tai nghe.

Thầy cô giáo nói tiếng Anh rất tốt. Hỏi ra mới biết ở Thái Lan học sinh được học tiếng Anh từ lớp 1. Có cách “dạy” tiếng Anh theo tôi cũng hay, đó là buổi trưa học sinh ăn tráng miệng loại quả gì thì có ghi tiếng Thái và tiếng Anh vào cái bảng nhỏ cắm vào cái rổ để loại quả đó (Ở Thái Lan, học sinh được ăn trưa miễn phí). Làm như vậy học sinh rất dễ nhớ mà lại nhớ rất lâu.

Diện tích khuôn viên trường học rất rộng. Cả 4 trường chúng tôi đến, kể cả trường ở Thủ đô Băng Cốc đều có sân vận động cho học sinh đá bóng và tập thể dục. Họ không bê tông hóa sân trường mà trồng cây cảnh, cây bóng mát, đặc biệt trường nào cũng lắp vòi phun nước nên ở trong trường mát mẻ như công viên. Vệ sinh trường học rất sạch sẽ, mọi việc do học sinh làm chứ không thuê lao công. Hiệu trưởng cho biết, trước khi vào học đầu giờ và chuẩn bị tan trường thì tất cả học sinh phải làm vệ sinh sạch sẽ.

Việc kết hợp học lý thuyết đi đôi với thực hành được thực hiện rất tốt. Cả 4 trường đều làm được sản phẩm để bán, cho dù là học sinh tiểu học vẫn làm được, tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Các em làm các túi nhỏ đựng các loại thảo dược bằng cỏ cây để bỏ vào tủ quần áo cho thơm và xua đuổi gián (thay cho băng phiến), làm những con cua, con cá… bằng da để đeo chìa khóa, đan lát những cái giỏ nhỏ, có trường còn trồng nấm, nuôi cá… Dạy môn thủ công thì học sinh làm ngay trong khuôn viên trường. Có cả các anh chị ở bậc trung học phổ thông đến hướng dẫn cho các em với tinh thần tự nguyện. Dạy nhạc cụ dân tộc cũng dạy dưới gốc cây ở sân trường luôn. Học sinh trải chiếu ngồi dưới những bóng mát của cây cối trong trường. Thầy dạy có người là phụ huynh biết loại đàn đó. Điều này tôi nghĩ ở Việt Nam cũng làm được. Như dạy đàn bầu hay đàn tranh  chẳng hạn. Dạy nấu ăn cũng dạy thật sự, cô giáo đeo tạp dề đứng và hướng dẫn cho học sinh. Cô giáo làm mẫu xong rồi chia nhóm cho các em thực hành. Những môn thủ công, làm sản phẩm, học một loại nhạc cụ đều do các em tự chọn vào một nhóm mà không bắt buộc hoặc phân biệt học lớp nào, như thế sẽ phát hiện được năng khiếu của học sinh. Từ đó vấn đề hướng nghiệp nghề nghiệp cho học sinh sẽ tốt hơn, tránh được kiểu thừa thầy thiếu thợ. Tôi thấy học kiểu này đúng nghĩa với xã hội hóa giáo dục như ở Việt Nam ta đang làm.

Có những phòng học ở các trường chúng tôi đến dù làm bằng cột gỗ, nền xi măng, lợp tôn, không có trần la-phông nhưng được làm rộng rãi, nhiều cửa, rất thoáng. Còn phòng xây kiên cố thì rất thoáng, nên học sinh ít bị cận thị (diện tích khoảng gấp rưỡi phòng học ở ta), Nếu có xảy ra hỏa hoạn hay sự cố thời tiết bất lợi gì thì có nhiều cửa để học sinh thoát hiểm tốt hơn chứ không chen chúc nhau một cửa như phòng học của ta. Đến 4 trường thì 3 trường có cơ sở vật chất trường học cũng không hơn gì một số trường ở Đăk Nông, thậm chí về tường rào, cổng trường còn chưa xây kiên cố, không đẹp bằng ở tỉnh Đăk Nông chúng ta.

Ở Thái Lan, trường tư thục phát triển mạnh. Trường tư chất lượng rất tốt, phải đóng tiền để học, những gia đình khá giả thường cho con học trường tư. Còn trường công không phải đóng góp gì mà còn được cấp tiền (mỗi học sinh được cấp 200 bạt mỗi năm học – tương đương khoảng 140 ngàn tiền Việt), được ăn trưa miễn phí. Vì số lượng học sinh học trường tư cũng đông nên Chính phủ có điều kiện tăng cường đầu tư cho trường công.

Các trường chúng tôi đến đều được đón tiếp chu đáo, thân tình. Gặp nhau chào hỏi, giới thiệu xong, việc đầu tiên là họ chỉ chỗ nhà vệ sinh trước. Họ làm việc thông tầm, từ 8 giờ sáng đến 16 giờ. Trưa nghỉ 1 giờ ăn cơm. Đặc biệt ở các trường chúng tôi đến, khi ăn cơm trưa ở trường cùng với đoàn chúng tôi, trong bữa ăn đều không có rượu bia mà chỉ có nước lọc. Tiếp khách ở nhà hàng cũng vậy, hoàn toàn không có rượu bia. Bạn cho biết ở Thái Lan sau 5 giờ chiều mới được mua bán và uống rượu bia.

Sĩ số học sinh một lớp rất thấp, có lớp chỉ 07 học sinh. Lớp nhiều nhất là 17 em. Bạn cho biết có trường rất ít học sinh, chỉ khoảng 80 em. Trường học chung từ mẫu giáo đến trung học cơ sở. Vì thời gian ít và rào cản về ngôn ngữ nên chúng tôi không hỏi được việc định biên giáo viên, nhân viên trường học như thế nào, khi sĩ số lớp học có ít học sinh như vậy. Nhưng tôi thấy dù học sinh ít nhưng không có sự rời rạc, chán nản hay học qua loa đại khái.

Tôi còn nhận thấy một điều này nữa, về tinh thần dân tộc và giáo dục các loại hình nghệ thuật của nước bạn rất hay, đó là ở sân bay hoặc ở nơi công cộng có nhiều diễn viên biểu diễn, hát dân ca Thái mọi nơi mọi lúc. Như vậy khi đi qua những nơi đó dù bạn là ai, người nước nào thì ít nhiều bạn cũng nhớ một cái gì đó về đất nước của họ.

Rời nước bạn, trên đường về tôi cùng một số đồng nghiệp cũng trao đổi bàn luận cùng nhau, có những điều tôi thấy nước mình, địa phương mình cũng có thể làm được như họ, có cái ta chưa làm được thì sẽ làm từng bước một. Một tuần, chỉ đến 4 trường học, cộng với rào cản về ngôn ngữ nên cũng chưa đủ để hiểu hết về nền giáo dục của họ, nhưng những gì mắt thấy tai nghe tôi mạnh dạn đưa ra để các bạn đồng nghiệp cùng tham khảo, những gì hay ta nên học tập và rút kinh nghiệm để đưa giáo dục tỉnh ta, nước ta ngày càng phát triển hơn. Trong tương lai tôi cũng mong muốn giáo dục nước ta cũng bắt nhịp và phát triển bằng các nước trong khu vực.